Trường mầm non cần áp dụng những tiêu chuẩn dinh dưỡng như thế nào cho trẻ?

hanh.tran 08/12/2023

Ở độ tuổi mầm non, sự phát triển của trẻ là một quá trình rất ấn tượng, không chỉ trong khía cạnh thể chất mà còn bao gồm cả trí não, ngôn ngữ, và vận động. Đây là giai đoạn quan trọng vì các bạn nhỏ bắt đầu thể hiện sự độc lập và tò mò về thế giới xung quanh. Điều này thường thể hiện qua việc con yêu muốn học hỏi và khám phá mọi thứ đặc biệt là trong lĩnh vực ăn uống. Vì vậy, trường mầm non đóng vai trò rất lớn trong việc định hình thói quen ăn uống của trẻ, xây dựng một nền tảng lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng. 

1. Vai trò của dinh dưỡng đối với trẻ mầm non

Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với trẻ mầm non bởi giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của trẻ, khi con yêu bắt đầu khám phá thế giới xung quanh mình. Từ sự tò mò về mọi vật, bé yêu phát triển khả năng quan sát, cảm nhận, và tìm hiểu. Điều này là kết quả của sự phát triển giác quan, khả năng vận động, và tư duy ngôn ngữ. Chuyển sang giai đoạn 3 đến 5 tuổi, sự tò mò của trẻ không chỉ giới hạn ở việc nhìn nhận môi trường xung quanh, mà còn mở rộng ra việc tự mình tham gia vào quá trình khám phá. Bé yêu không chỉ đặt câu hỏi mà còn tự cố gắng tìm hiểu, trải nghiệm bằng cách sử dụng các giác quan và kỹ năng vận động.

Một khía cạnh quan trọng của giai đoạn này là sự phát triển khả năng tư duy logic và ngôn ngữ. Các câu hỏi của trẻ không chỉ dừng lại ở “Tại sao?” mà còn mở rộng ra “Như thế nào?” và “Tại sao không?” Điều này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng kiến thức và hiểu biết. Ngoài ra, giai đoạn này cũng là thời kỳ mà con yêu bắt đầu học về văn hóa ăn uống. Trẻ quan sát và mô phỏng theo cách người lớn ăn uống, học cách sử dụng đũa, thìa, các dụng cụ ăn uống. Đồng thời, trẻ cũng bắt đầu hiểu về các loại thức ăn, sự khác biệt, và cách chế biến những món ăn.

2. Nhu cầu năng lượng của trẻ mầm non

Đối với trẻ mầm non, nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình từ 1.230 – 1.320 kcal/ngày. Trong đó, chất bột đường chiếm 52 – 60%, chất đạm chiếm 13 – 20%, chất béo chiếm 25 – 35% tổng năng lượng khẩu phần.

Theo đó, trong thực đơn hàng ngày cho trẻ mầm non, lượng thực phẩm cần được cung cấp cụ thể gồm:

Chất bột đường: khoảng 3 – 4 chén cơm, cháo đặc hoặc các món tương tự.

Chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua…): 120g – 150g.

Chất béo (dầu mỡ, bơ…): 30g.

Rau củ, trái cây: 300g.

Các loại vitamin và khoáng chất: vitamin A 1.000 UI, vitamin D 400UI, canxi 500mg, sắt 6 – 7mg, kẽm 10mg…

Để cung cấp đủ nhu cầu canxi cho cơ thể, con yêu cần được cung cấp 4 đơn vị sữa/ngày (1 đơn vị sữa tương đương 100ml sữa nước, 100g sữa chua hoặc 15g phô mai).

Ngoài ra, trẻ cũng cần được uống đủ nước (khoảng 1.6 – 2 lít/ngày).

3. Nguyên tắc xây dựng thực đơn và chế biến món ăn cho trẻ mầm non

Chế độ dinh dưỡng của trẻ mầm non ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và thói quen ăn uống về sau. Do đó các trường mầm non nên lưu ý những điểm sau khi xây dựng thực đơn hằng ngày:

– Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho các bạn nhỏ mỗi ngày, cân đối các nhóm chất cơ bản: chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.

– Thực đơn phong phú, đa dạng mỗi ngày cho bé yêu nhằm thay đổi khẩu vị. Có thể thay thế các thực phẩm trong cùng một tầng (trong tháp dinh dưỡng cho trẻ 3 – 5 tuổi) cho nhau. Tuy nhiên, cần chú ý là thực phẩm ở tầng này không thể thay thế cho thực phẩm ở tầng khác.

– Xây dựng thực đơn theo mùa, phù hợp với sở thích của trẻ. Ví dụ vào mùa hè, cần ưu tiên các món nhiều nước, thanh mát, tăng cường các loại nước ép hoa quả…; vào mùa đông, có thể bổ sung các món chiên xào hoặc hầm nhừ. Các loại thực phẩm tiêu biểu của mùa nào nên ưu tiên sử dụng của mùa đó, không nên sử dụng thực phẩm trái mùa. Thức ăn nên được cắt nhỏ để dễ nhai, dễ tiêu hóa.

– Lựa chọn thực phẩm an toàn trước khi chế biến. Các loại thịt cá, rau củ phải đảm bảo tươi sống, không ôi thiu, không chứa các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Dinh dưỡng không chỉ là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe cơ bản mà còn ảnh hưởng đến khả năng học tập, phát triển tâm lý, và chất lượng cuộc sống của trẻ mầm non. Để đảm bảo sự phát triển toàn diện, các trường mầm non hãy chú ý đến việc cung cấp đủ và đa dạng các loại thức ăn có chất dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhé!

Nguồn: Internet