Làm thế nào để những cuộc họp gia đình trở nên hiệu quả hơn?

uyen vo 17/12/2023

Những buổi sum họp gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, đây cũng là một cách để xác nhận rằng mỗi thành viên đều là một mảnh ghép ý nghĩa và không thể thiếu. Từ các buổi sum họp gia đình, các bạn nhỏ có thể lắng nghe và tiếp thu thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Các kỹ năng diễn đạt ý kiến, giải quyết vấn đề đều được mô phỏng một cách chân thực nhất thông qua các buổi họp gia đình. 


Ngoài ra, khái niệm về việc cân bằng giữa lợi ích chung và những mong muốn cá nhân cũng được thể hiện rõ nét. Những kỹ năng mềm thiết yếu trong môi trường học tập và làm việc cũng sẽ được tìm thấy trong các buổi họp mặt. Vì thế, đây chính là thời điểm để vừa chia sẻ, học hỏi, cũng như gắn kết mọi người ngày một xích lại gần nhau hơn. Sau đây là 10 mẹo để những buổi họp gia đình trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết: 

1. Chuẩn bị một ít thức ăn nếu có thể và đặt các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng sang một bên để tránh bị sao lãng 

2. Hãy nói về những điều tích cực và vui vẻ, không chỉ những vấn đề hoặc than thở về các công việc nhà 

3. Duy trì thường xuyên, mỗi tuần một lần hoặc hai lần một tuần chính là những tần suất khá lý tưởng để họp gia đình. Một cuộc nói chuyện ngắn trên bàn ăn tối, hoặc chỉ đơn giản là khi ăn sáng mỗi ngày Chủ Nhật. Hãy cố gắng duy trì cuộc họp gia đình như một thói quen và cũng có thể giới hạn thời gian cho mỗi buổi họp nếu cần thiết. 

4. Hãy bắt đầu bằng những lời khen, những nhận xét tích cực và có trọng lượng với mọi người

5. Hãy thử tiến hành một cuộc họp gia đình theo một cách trang trọng với một người làm chủ trì buổi họp và ghi nhận lại các ý kiến. Các thành viên sẽ luân phiên nhau giữ vai trò này bao gồm cả các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình.


6. Để tất cả đều có cơ hội nói lên ý kiến riêng của mình mà không bị gián đoạn hoặc bị phê phán vì ý kiến đó. Mỗi người đều cần nhận được sự tôn trọng và đây chính là giá trị cốt lõi của con người. Được lắng nghe chính là được tôn trọng. 

7. Nghĩ ra những giải pháp và mục đích để hướng đến sự thống nhất. Khuyến khích trẻ cũng tham gia, ba mẹ có thể sẽ rất bất ngờ với những hướng đi sáng tạo và hay ho của trẻ.

8. Thử từng ý kiến và sau đó hãy cùng nhau ngồi lại để tổng hợp và nhìn lại kết quả trong những buổi họp gia đình tiếp theo. 

9. Một số vấn đề khó có thể được giải quyết chỉ sau một buổi họp, vì thế hãy cùng tiếp tục thảo luận trong lần kế tiếp. Trong khoảng thời gian đó, tất cả các thành viên đều có một khoảng nghỉ nhỏ để suy nghĩ kỹ hơn và bình ổn những cảm xúc riêng của mình.

10. Đôi lúc, các thành viên nhỏ tuổi không quá hào hứng với việc tham gia vào các cuộc họp gia đình. Cách tốt nhất là những người lớn trong nhà vẫn giữ thái độ niềm nở, không ép buộc. Tuy nhiên, hãy cho trẻ thấy rằng tiếng nói và những đóng góp của trẻ cũng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết, và bày tỏ mong muốn có sự hiện diện của trẻ trong những lần họp mặt tiếp theo.


Cre: theparentswebsite

Translated by  TOMIA – Hệ thống quản lý trường học